Iso E Super – Nhẹ mà không thể không yêu

Lần nào dùng loại nước hoa yêu thích của mình, tôi cũng nhận được những lời khen đại loại như “Nước hoa gì mà thơm thế!” hay “Ôi, anh Thành ‘thơm’ quá!”. Thực sự, tôi đã rất phổng mũi vì gu nước hoa của mình cho đến khi phát hiện ra rằng thành phần của nước hoa đó chứa một hóa chất có “sức hấp dẫn khó cưỡng”, hơn nữa, lại là với tỷ lệ thuộc loại cao nhất khi so sánh với các loại khác. Chất đó là Iso E Super.

Điều rất hay là tuy nhiều người có thể dùng cùng loại nước hoa này, nhưng mỗi người lại tỏa ra một mùi hương riêng biệt. Và đó là những mùi thơm làm người nói chuyện nhìn sâu vào mắt bạn hơn, người lạ trên phố phải ngoái đầu nhìn và thậm chí là tìm cách bắt chuyện với bạn.

Tôi đã được kể về phân tử đặc biệt này từ khá lâu, khi dùng thử hai loại nước hoa có tên gọi cũng rất đặc biệt là Molecule 01 và Escentric 01 của thương hiệu Escentric Molecules (tạm dịch là “Những phân tử kỳ dị”) của nhà pha chế nước hoa người Đức Geza Schoen. Molecule 01 gần như không mùi, hoặc có chăng là mùi “dung dịch hóa học” nhưng cũng rất dễ chịu, sạch, thoảng hương hạt tiêu siêu nhẹ và hương gỗ. Đây chính là loại nước hoa đơn chất, 100% thành phần là phân tử Iso E Super được pha loãng trong cồn ở nồng độ 10%. Tôi thích Molecule 01 hơn Escentric 01, loại nước hoa mùi tươi mát hơn nhưng cũng nhiều vị hơn. Iso E Super chiếm 65% thành phần của Escentric 01, pha với một số hương liệu khác như vỏ chanh, orris (rễ cây diên vĩ) và hạt tiêu hồng.

Khi đó, bạn tôi đã giới thiệu rằng đây là hai hiện tượng đang làm rung động giới sành điệu ở Tây Âu. Tối giảncực đoan, dịu nhẹ đến mức gần như không mùi nhưng lại thơm rất lâu. Điều rất hay là ở chỗ tuy nhiều người có thể dùng cùng loại nước hoa này, nhưng mỗi người lại tỏa ra một mùi hương riêng biệt. Và đó là những mùi thơm làm người nói chuyện nhìn sâu vào mắt bạn hơn, người lạ trên phố phải ngoái đầu nhìn và thậm chí là tìm cách bắt chuyện với bạn. Như thể loại nước hoa này, hay đúng hơn là phân tử này đã quyện với DNA, trở thành một dạng giống như pheromone, đánh thức bản năng cảm nhận bạn tình qua khứu giác mà con người chúng ta đã bỏ quên ngoài ngưỡng cửa khi bước vào cuộc sống trong xã hội văn minh.

Geza Schoen đem ý tưởng nước hoa đơn chất Iso E Super đến với Diesel năm 1994 nhưng đã bị từ chối. Đó là một ý tưởng quá táo bạo để có thể đưa vào sản xuất hàng loạt. Sau đó, anh trở thành nhà pha chế làm việc tự do. Dòng nước hoa đầu tiên của anh, Molecule 01, Escentric 01 ra đời năm 2005 và ngay lập tức trở thành hiện tượng gây sự chú ý đặc biệt của người tiêu dùng đến Iso E Super. Tại thời điểm đó, người ta vẫn còn rất e dè khi nói đến những phân tử nhân tạo “kỳ diệu” của ngành hóa học dành cho công nghiệp pha chế nước hoa, chưa nói gì đến việc dùng thuật ngữ hóa học đặt tên cho nước hoa. Quan niệm hóa chất tổng hợp đồng nghĩa với tầm thường, rẻ tiền còn chiếm ưu thế và nước hoa cao cấp vẫn được giới thiệu đến công chúng là những sản phẩm pha chế từ các hương liệu tự nhiên.

Bộ đôi “Những phân tử kỳ dị” Escentric 01 và Molecule 01
Bộ đôi “Những phân tử kỳ dị” Escentric 01 và Molecule 01

Ngoại lệ là một một số hương thơm nhân tạo được coi là thử nghiệm dành cho những người chơi trội. Nổi tiếng nhất là Odeur 53 (mùi nhôm, lửa, đồi cát, ô-xy, năm 1998) và Odeur 71 (bản photocopy, bụi nóng, mạch điện, năm 2000) của Comme des Garcons hay Velviona của Helmut Lang (đặt theo tên của phân tử thuộc nhóm xạ hương nhân tạo, năm 2001). Khi thử hai loại nước hoa “Phân tử kỳ dị” của Geza Schoen, tôi không biết rằng Iso E Super không phải là một phát hiện mới mẻ trong ngành pha chế nước hoa, cũng không phải một chất liệu đắt tiền hay quý hiếm.

Iso E Super là hoá chất thuộc dạng tương tự Ionone, được tìm ra năm 1972. Catalogue của IFF – công ty giữ bản quyền của phân tử này miêu tả đó là mùi hương mượt mà, có hương gỗ, ngọt và ấm, tạo cảm giác “mềm mượt như nhung”. Đây là chất liệu dùng trong nước hoa để tạo cảm giác hương gỗ, có vị ngọt nhưng vẫn sạch sẽ và dịu nhẹ, kết hợp rất tốt với các hương liệu có mùi hoa nên được sử dụng rộng rãi trong nước hoa cho cả nam lẫn nữ. Phổ cập hơn, nó được dùng trong sản xuất xà phòng thơm. Hương gỗ ấm và ngọt (woody – ambery) đặc trưng dùng cho việc pha chế nước hoa có được là nhờ 5% tạp chất còn được gọi là Iso E Super Plus, có ngưỡng phát hiện ở mức thấp hơn hợp chất chính 100.000 lần. Chỉ cần pha 0,005ng (1ng bằng 1 phần tỷ gram) trong một lít nước là mũi người đã có thể phát hiện ra sự khác biệt.

Tuy vậy, phải đến năm 1999, công ty Givaudan mới chiết xuất được tạp chất này rồi sau đó tổng hợp được chất liệu có tính chất tương tự và có thể được dùng rộng rãi trong công nghiệp với tên Georgywood. Điều kỳ diệu của Iso E Super là ở chỗ người ta có thể dùng hóa chất này ở tỷ lệ siêu cao, chiếm đến hơn 25% “công thức” nước hoa mà không gây cảm giác khó chịu, mệt mỏi cho người dùng. Cùng với một số hóa chất khác như Hedione (tạo hương hoa nhài), Galaxolide và Menthyl Ionone, Iso E Super đóng vai chính trong việc tạo nên dòng nước hoa thế hệ mới thường được gọi là nước hoa có cấu trúc khối (monolithic), với một vài chất liệu chiếm tỷ lệ vượt trội trong công thức.

Ai yêu thích nước hoa chắc chắn đã gặp nhân vật giấu tên này của ngành hóa học không chỉ một lần. Iso E Super chiếm 25% trong thành phần nước hoa cổ điển mùi da thuộc Fahrenheit của Dior (đây là thành phần nước hoa “nguyên chất” chưa được pha loãng trong cồn) do Jean-Louis Sieuzac và Maurice Rogers pha chế năm 1988. Trèsor – nổi tiếng với hương đào (hay nói đúng hơn – chất Aldehyde C14) của Lancôme do Sophia Grojsman pha chế năm 1990 có 18% Iso E Super. Serge Lutens dùng 43% Iso E Super trong Féminité Du Bois – kiệt tác với hương quế và gỗ bá hương của Shiseido (năm 1992). Jean Claude Ellena cũng là một fan hâm mộ của Iso E Super. Declaration! do ông pha chế cho Cartier năm 1998 có 35%, Hermessence Poivre Samarcande (Hermès, năm 2004) – 71% và Terre d’Hermès (năm 2006) – 55%.

Danh sách các loại nước hoa có trong thành phần một lượng lớn loại phân tử kỳ diệu không chấm dứt ở đây, nổi tiếng nhất có Comme des Garcons Series 3 Incense Kyoto (55%, năm 2002), Perles de Lalique của Lalique (80%, năm 2007) hay Kenzo Air (43%, năm 2003). Ngoài các loại nước hoa cổ điển như Eternity (Calvin Klein), còn có nhiều loại nước hoa mới như Voyage d’Hermès, Saharienne (Yves Saint Laurent) hay Bang (Marc Jacobs) cũng sử dụng Iso E Super. Cần phải nói thêm rằng sức quyến rũ kỳ diệu của Iso E Super không hẳn là “liều thuốc vàng” đảm bảo cho sự thành công của nước hoa. Một phần vì chúng ta dùng nước hoa trước hết cho chính bản thân mình, để tạo sự phấn chấn nhờ “vẻ đẹp” của mùi hương, trải nghiệm sự tìm tòi, sáng tạo của các nghệ sỹ tạo mùi hương, chứ không phải để sưu tập lời khen của mọi người xung quanh.

Một số chai tham khảo:




Bài: Thành Lukasz via Đẹp Online

Please follow and like us:
Pin Share

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

CAPTCHA ImageChange Image

Contact Me on Zalo