Toyoda – Cha Đẻ Của Toyota

TỰ DƯNG BỊ THỔI PHỒNG, BỊ CA TỤNG TẤT THẢY CHỈ LÀ ẢO…

Cha đẻ tập đoàn ô tô Toyota là ai, tên là gì?

Người trong hình là Kiichiro Toyoda, nhà sáng chế, phát minh Nhật, cũng là cha đẻ tập đoàn Toyota.

Ông sinh ra trong gia đình có cha là nhà chế tạo máy dệt hiện đại của Nhật, chủ xưởng dệt. Nhưng mẹ bỏ cha ông từ sớm vì chán phải sống cùng một người đam mê máy móc. Ở cùng với ông bà, ông đi học và trở thành kỹ sư cơ khí.

Năm 1923, nước Nhật xảy ra động đất Kanto với thiệt hại nặng nề khiến gần 250 ngàn người mất và bị thương. Khi đó, xe hơi trở thành phương tiện hữu hiệu cho cứu trợ, song lại rất thiếu ở Nhật. Thị trường xe hơi Nhật hoàn toàn do người Mỹ làm chủ. Toyoda chứng kiến toàn bộ những điều đó và thấy rất đau lòng.

Ông và một người bạn học là Hideo Kobayashi cùng gặp nhau và trò chuyện về thực trạng đó. Và ông nung nấu ý chí. 10 năm sau, ông cho mở ra bộ phận phát triển ô tô thuộc công ty dệt của cha.

Ông cử người qua Mỹ và châu Âu mua các máy móc và công cụ cần thiết cho hoạt động sản xuất dựa trên nghiên cứu từ trước đó.

Kiichiro đã nghiên cứu để ra thiết kế của dòng xe riêng. Ông muốn sản xuất loại xe có thể dùng phụ tùng của Ford và Chevrolet vốn rất thịnh hành ở Nhật khi đó để thay thế. Ông học tập thiết kế động cơ cơ bản từ Chevrolet và nghiên cứu khung gầm xe tải của Ford. Với xe thông thường, ông học theo thiết kế bộ khung và khung gầm của dòng Chrysler DeSoto.

Cùng lúc ông mời những người từng làm việc cho các hãng lớn của Mỹ về làm việc. Nhóm nghiên cứu đã mua nhiều xe Mỹ chỉ để “mổ” rời chúng ra nghiên cứu.

Toyoda từng đến Châu Âu và Châu Mỹ từ tháng 9 năm 1929 đến tháng 4 năm 1930 để học hỏi về công nghiệp ô tô.

Và sau đó ông cử Takatoshi Kan, sau này là giám đốc điều hành của hãng có thêm một chuyến đến Mỹ từ tháng 1 đến tháng 7/1934 để nghiên cứu về kinh nghiệm sản xuất ôtô trên quy mô lớn. Trong 7 tháng này, ông đã ghé thăm 130 nhà máy, 7 cơ sở nghiên cứu và 5 trường đại học để tìm hiểu về kinh nghiệm phát triển dây chuyền sản xuất ôtô của Mỹ.

Tuy nhiên, Toyoda không có ý định sẽ lạm dụng việc làm theo Mỹ và châu Âu trong sản xuất xe. Ông nói: “Con đường dễ nhất là tận dụng thành quả mà người khác đã làm việc vất vả để có được rồi phát triển thành của mình, như cách mà chúng ta đã phụ thuộc vào phương Tây cho đến nay. Tất nhiên sẽ có những lúc phải học hỏi từ họ nhưng nếu cứ mãi mãi con đường ấy, chúng ta sẽ mất năng lực sáng tạo hơn nữa”.

Nhóm làm việc đã mất 1,5 năm ròng để có thể cho ra mắt chiếc xe hơi đầu tiên. Năm 1934, hãng xe mới chỉ bán được 200 xe. Sau đó lại tiếp tục hoàn thiện và phát triển với sự dẫn đầu của một kỹ sư cũng là nhà sáng chế như Toyoda.

Đây cũng là truyền thống gia đình, vì cha ông đã từng có gần hai trăm bằng sáng chế công nghiệp do Nhật và 19 nước khác cấp, trong đó có nhiều liên quan tự động hóa. Còn Toyoda khi còn sống đã được gọi là ” Thomas Edison của Nhật Bản”.

Trong khi đó, vì là 1 nhà quản lý giỏi, ông nghĩ cách làm sao cho xe hơi của ông làm ra có giá thành thấp nhất và tối ưu hóa.

Tuy nhiên rất thận trọng, ban đầu Toyota chỉ làm xe tải, sau đó làm xe ca, mãi sau này mới làm xe hơi du lịch 4-6 chỗ.

Thập niên 1940 chứng kiến sự tăng trưởng và mở rộng thần kỳ của Toyota khi sản lượng xe tăng đều đặn qua các năm. Đến năm 1947, Toyota đã sản xuất 100.000 chiếc. Đồng thời, Toyota lập thêm rất nhiều doanh nghiệp vệ tinh trong chuỗi cung ứng của mình để đảm bảo được sự độc lập trong sản xuất, không phụ thuộc vào bất kỳ bên nào.

Năm 1957, Toyota trở thành hãng xe Nhật đầu tiên bước chân vào thị trường Mỹ với thương hiệu Toyota Crown sau 25 năm thành lập. Thập niên 1960 chứng kiến sự tăng trưởng thần tốc của Toyota khi hãng xe này lần lượt chinh phục thành công thị trường Úc và châu Âu. Doanh số xuất khẩu xe của Toyota chính thức cán mốc 1 triệu xe vào năm 1970 và trở thành công ty xe hơi hàng đầu thế giới.

Như vậy từ 1933 tới 1970, tập đoàn Toyota đã cần mẫn làm việc cả thảy là 37 năm.

Riêng ông Kiichiro Toyoda thì không may mắn sống được tới ngày tập đoàn thành công vang dội như vậy. Ông mất năm 1952, thọ 57 tuổi sau 2 năm về hưu từ chức Chủ tịch tập đoàn. Trước khi mất, ông vẫn làm việc cho phòng thí nghiệm riêng của mình như một nhà phát minh sáng chế. Ông làm ra cả máy bay trực thăng.

Ông được coi nhân vật chủ chốt mở đường cho ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản và nếu không có ông, ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản ngày nay có thể đã kém phát triển hơn. Ngành công nghiệp ô tô đóng vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ nền kinh tế Nhật Bản. Số lượng ô tô sản xuất tại Nhật Bản tăng mạnh từ 70.000 lên 11,4 triệu chiếc trong khoảng thời gian từ 1955 đến 1980, và đến năm 1980 đã vượt quá số lượng ô tô do Hoa Kỳ sản xuất. Tỷ lệ xuất khẩu ô tô Nhật Bản ra nước ngoài là 55% vào năm 1985.

Sau khi Toyoda mất, con cháu ông tiếp tục làm chủ Toyota và tiếp tục đưa tập đoàn này tới những tiến bộ mới.

Nhìn lại cuộc đời của ông, có thể thấy mọi thành công trên đời này không tự nhiên mà xuất hiện. Tất cả phụ thuộc vào việc thực học, thực nghiên cứu, thực làm, và từ ý chí muốn cạnh tranh, muốn đưa đất nước thành cường quốc của những con người cụ thể.

Những gì tự dưng bị thổi phồng, bị ca tụng, tất thảy chỉ là ảo. Nó sẽ tan nhanh như bong bóng xà phòng.

NGUYỄN THỊ BÍCH HẬU

#8saigon

Please follow and like us:
Pin Share

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

CAPTCHA ImageChange Image

Contact Me on Zalo